Thời gian gần đây, tình trạng cho vay tiền qua các ứng dụng trực tuyến (vay qua app) diễn ra phổ biến. Tuy nhiên trong lúc các cơ quan quản lý còn đang đề xuất cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) thì dịch vụ cho vay tiền qua app ngày càng nở rộ và biến tướng thành tín dụng đen khi lãi suất cho vay được đẩy lên vượt quy định cho phép hàng trăm lần.

Vay qua app với lãi suất cắt cổ

Vay tiền trên các ứng dụng trực tuyến hấp dẫn người vay ở việc đáp ứng được nhu cầu tài chính tức thời với thủ tục, cách thức cho vay nhanh gọn. Các giao dịch được thực hiện trực tuyến, thông qua các trang web, các sàn giao dịch trực tuyến hoặc các ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh. Người có nhu cầu vay tiền nhanh chóng được đáp ứng với một số thao tác đăng ký đơn giản trên máy tính như: tải app, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và chứng minh nhân dân, đồng ý cho app truy cập danh bạ cá nhân…

Với một số người cần gấp số tiền không quá lớn, hoặc quá gấp rút để giải quyết công việc họ thường “tặc lưỡi” cho qua, thế nhưng đối với nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, họ thực sự “hãi hùng” bởi lãi suất cắt cổ và nhiều người bị “khủng bố” bởi cách thức đòi nợ “tàn khốc” của chủ sở hữu những ứng dụng cho vay này khi rơi vào cảnh chưa trả được nợ.

Chị Anh Thư, ở TP Hồ Chí Minh cho biết vì cần gấp tiền chi tiêu nên vay 1,6 triệu đồng qua app, nhưng số tiền chị nhận được thực chất là một triệu đồng, số tiền còn lại được tính vào các loại phí. Sau một tuần, chị Thư phải trả đủ 1,6 triệu đồng. Như vậy, theo các luật sư, số tiền vay nêu trên đã chịu lãi suất 8,6%/ngày, tức là hơn 200%/tháng. Trong khi đó, theo quy định của Điều 486 Bộ Luật Dân sự 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm. Câu chuyện chị Thư chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp vay tiền qua các app ngày một nhiều với nhiều biến tướng mà hầu hết các mức lãi suất đều vi phạm quy định của Bộ luật Dân sự. Điều đáng nói, khi những người vay tiền làm thủ tục vay tiền qua app, thông thường các app này yêu cầu người vay phải cho phép app truy cập danh bạ điện thoại. Vì vậy, những người vay tiền không trả nợ đúng hạn thì chủ sở hữu app sẽ gọi điện quấy rầy người thân, nhằm tạo sức ép cho người vay phải trả nợ.

Mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh triệt xóa và mở rộng điều tra nhiều băng nhóm cho vay nặng lãi thông qua các ứng dụng trực tuyến như Doctor app, Vdong, Openvay, Tiennhanh, Vtdong, Movay… Nhiều ứng dụng trong số này cho vay với lãi suất lên tới 75%/tháng và 912,5%/năm.