Trong hơn 500 bệnh nhân Covid điều trị tại Bệnh viện Quân y 175, khoảng 20,5% đã tiêm một mũi vaccine cách thời điểm phát hiện bệnh dưới 4 tuần; 3,8% tiêm đủ hai mũi.

Thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân, Phó Chủ nhiệm Khoa Hồi sức Tích cực, kiêm Phó giám đốc Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175, cho biết khảo sát của bệnh viện cho thấy 3,8% F0 tại đây đã tiêm đủ hai mũi vaccine nhưng mũi thứ hai cũng chưa đáp ứng miễn dịch đầy đủ, tức chưa đủ ít nhất 15 ngày sau tiêm mũi hai.

“Người tiêm mũi một dưới 4 tuần chưa đủ thời gian tạo kháng thể nên tỷ lệ nhiễm cao. Trường hợp tiêm đủ hai mũi, tỷ lệ mắc Covid-19 thấp hơn rất nhiều”, bác sĩ Ân phân tích. Nghiên cứu cũng cho thấy tại Bệnh viện 175, các F0 đã tiêm vaccine có triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với người không tiêm.

Thiếu tướng, phó giáo sư Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Quân y 175, nhận định: “Điều quan trọng là mốc thời gian từ lúc tiêm vaccine cho đến lúc mắc bệnh, nếu chưa đủ thời gian cơ thể tạo kháng thể sau tiêm thì nguy cơ nhiễm bệnh vẫn rất lớn”. Ông Sơn cũng cho rằng bệnh nhân đã tiêm đủ hai liều, hiệu quả bảo vệ của vaccine rất lớn, tránh nguy cơ chuyển nặng.

Bệnh viện Chợ Rẫy cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân Covid-19 nhập viện sau tiêm một mũi vaccine, hoặc tiêm hai mũi nhưng chưa đủ bốn tuần. Tuy nhiên, hiện bệnh viện chưa có thống kê cụ thể số lượng này.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, người chích một mũi vaccine, cơ thể mới bắt đầu tạo kháng thể nhưng chưa đủ bảo vệ, do đó nguy cơ mắc bệnh, trở nặng vẫn không khác nhiều so với người chưa tiêm.

“Người chích hai mũi, nếu không đủ 4 tuần, vẫn có khả năng cao mắc bệnh, khả năng diễn tiến nặng vẫn xảy ra, đặc biệt là những người có bệnh nền”, bác sĩ Hùng nói và cho rằng “hiệu quả bảo vệ còn tùy thuộc từng loại vaccine khác nhau”. “Không nên chủ quan sau tiêm vaccine”, bác sĩ Hùng nhấn mạnh.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau khi tiêm đủ liều vaccine Covid-19, cơ thể cần một vài tuần để sinh ra miễn dịch. Một số trường hợp có thể mắc bệnh trong thời gian cơ thể đang tạo đầy đủ miễn dịch. Không có loại vaccine nào có hiệu quả bảo vệ 100%. Một số ít người đã tiêm vẫn có thể mắc bệnh, nhưng bệnh thường nhẹ, không diễn biến nghiêm trọng hoặc tử vong.

Hướng dẫn của nhà sản xuất, khoảng cách tiêm giữa hai mũi vaccine AstraZeneca là tối thiểu 4 tuần, tốt nhất 8-12 tuần. Hai mũi vaccine Moderna cách nhau tối thiểu 4 tuần. Vaccine Pfizer là hai mũi cách nhau tối thiểu 3 tuần. Hai mũi vaccine Sinopharm cách nhau 3-4 tuần.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, tại họp báo hồi giữa tháng 8, nhận định vaccine được tiêm vào trong cơ thể sẽ tạo ra kháng thể trung hòa với virus, kháng thể này được tạo ra từ tuần lễ thứ hai sau khi tiêm.

Theo bác sĩ Châu, không có loại vaccine nào ngăn chặn 100% virus, nhưng kháng thể từ vaccine sẽ giúp ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào các tế bào, làm giảm quá trình gây tổn thương tế bào các cơ quan trong cơ thể, ngăn chặn quá trình gây bệnh lý… Do đó, những người đã tiêm vaccine, có kháng thể bảo vệ thì khả năng mắc Covid-19 sẽ giảm, nếu có mắc cũng triệu chứng nhẹ, ít khả năng tăng nặng và tử vong.

“Nhiều người nghĩ rằng tiêm hai mũi vaccine sẽ không mắc Covid-19, là sai lầm”, bác sĩ Châu nói. Theo bác sĩ Châu, thời gian qua ghi nhận tại Việt Nam và trên thế giới có nhiều trường hợp đã tiêm đủ hai mũi vaccine nhưng vẫn mắc Covid-19, bởi các biến chủng virus ngày càng mạnh hơn và có thể có khả năng kháng vaccine.

Bác sĩ Châu phân tích, vaccine giúp giảm mức độ nặng của bệnh chứ không phải 100% không mắc bệnh. Vì vậy, dù đã tiêm vaccine, người dân vẫn nên thực hiện nghiêm quy định 5K và giãn cách để tránh tình trạng lây nhiễm.

Tính đến ngày 30/8, TP HCM đã tiêm hơn 6,1 triệu liều vaccine, trong đó gần 5,8 triệu người tiêm mũi một, 337.134 người tiêm mũi hai.

Nhân viên y tế chuẩn bị liều tiêm vaccine cho người dân ở TP HCM, ngày 15/8. Ảnh: Thành Nguyễn
Nhân viên y tế chuẩn bị liều tiêm vaccine cho người dân ở TP HCM, ngày 15/8. Ảnh: Thành Nguyễn

Công bố hồi tháng 7 của Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI) về hiệu lực bảo vệ của các vaccine phòng Covid-19 sau nghiên cứu lâm sàng như sau:

Hiệu lực bảo vệ chống lại bệnh Covid-19 có triệu chứng sau một liều tiêm của vaccine AstraZeneca là 73%, Moderna là 85%, Pfizer là 82%.

Hiệu lực bảo vệ chống lại bệnh Covid-19 nặng hoặc nhập viện từ 21 ngày sau liều đầu tiên của vaccine AstraZeneca là 100%, Moderna là 100%, Pfizer là 83%, Sinopharm là 79%. http://dantri24.com/

Hiệu lực bảo vệ chống lại Covid-19 có triệu chứng sau hai liều tiêm của vaccine AstraZeneca là 67%, của Moderna là 95%, Pfizer là 94%, Sinopharm là 78%.

Những nghiên cứu này được thực hiện trong những điều kiện khác nhau về cỡ mẫu, quốc gia, sự lây lan Covid-19 thời điểm nghiên cứu, do đó không thể “so sánh đối đầu trực tiếp” để đánh giá hiệu lực giữa các vaccine với nhau.