Ngày càng nhiều game lậu, phần lớn từ Trung Quốc, “núp bóng” trò chơi Việt Nam hoạt động ở thị trường trong nước mà không xin phép, nội dung không qua kiểm duyệt.
Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử, Bộ Thông tin & Truyền thông, game lậu do cá nhân, doanh nghiệp phát hành mà không xin phép, không qua phê duyệt nội dung, kịch bản. Doanh thu từ nhóm phát hành game lậu trong năm 2020 ước đạt 300 triệu USD, tương đương doanh thu từ thị trường game chính thống (320 triệu USD).
“Trong khi game chính thống phải mua bản quyền, chịu sự quản lý của nhà nước, game lậu lại không phải chịu ràng buộc gì. Điều này không công bằng với các nhà phát hành game được cấp phép”, ông Tự Do nói.
Điểm đặc biệt là những trò chơi lậu từ nước ngoài lại do các cá nhân, doanh nghiệp trong nước đứng tên để gửi lên cửa hàng ứng dụng của Apple, Google, nhưng khi xuất hiện trên đó, phần chủ sở hữu lại hiển thị thông tin đơn vị nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đứng tên, không có quyền kiểm soát nội dung. Đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam khi mua bản quyền từ nước ngoài, phải yêu cầu đối tác cho phép doanh nghiệp Việt đứng tên trên các cửa hàng ứng dụng.
Game lậu không chỉ gây thất thoát doanh thu, thiếu công bằng với các nhà phát hành game trong nước mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về việc cài cắm bản đồ có “đường lưỡi bò” trong nội dung.
Theo thống kê, trong tổng số 859 game được cấp phép, có 690 game nguồn gốc từ Trung Quốc, chiếm tỷ lệ hơn 80%. Các công ty phát hành thường có hành vi cài cắm tinh vi, như âm thầm đưa “đường lưỡi bò” vào các bản cập nhật mới. Phiên bản tiếng Việt có thể dùng bản đồ hợp pháp, nhưng chuyển sang tiếng Trung Quốc lại xuất hiện bản đồ phi pháp. Những game này khi bị phát hiện vi phạm sẽ bị gỡ bỏ khỏi hệ thống của App Store và CH Play.
Trước đó, ngày 21/11, cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử đã yêu cầu Apple, Google gỡ trò chơi Chuyến du lịch vòng quanh thế giới của bé gấu trúc vì chứa bản đồ phi pháp của Trung Quốc. Hành vi này sẽ tạo ra lệch lạc về nhận thức đối với các em nhỏ về vấn đề chủ quyền đất nước.
Trong năm 2020, Cục đã phối hợp với Apple, Google xoá 121 game không phép, game cờ bạc, bạo lực và vi phạm pháp luật Việt Nam.
Ông Lê Quang Tự Do đánh giá việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng của Việt Nam và Google, Apple đã thuận lợi hơn rất nhiều. Trước đây, khi muốn yêu cầu các công ty này gỡ một game vi phạm, cơ quan chức năng cần thực hiện nhiều thủ tục pháp lý. Hiện tại, chỉ cần phát hiện có dấu hiệu vi phạm, game đó sẽ bị xoá khỏi hệ thống luôn.
Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử cũng ra mắt cổng thông tin về gameonline để cập nhật các tựa game đang phổ biến trên thị trường, công khai các tựa game chính thống, game đang chờ xét duyệt và quyết định xử lý vi phạm game phi pháp.